GS Trần Thanh Vân: “Muốn có nhân lực tốt, nhân lực phải đủ sống”

GS Trần Thanh Vân: “Muốn có nhân lực tốt, nhân lực phải đủ sống”

 15:42 28/08/2017

GS Trần Thanh Vân: “Muốn có nhân lực tốt, nhân lực phải đủ sống”

“Điều tôi mong mỏi nhất ở Việt Nam chính là tất cả hệ thống đặt niềm tin, động lực phát triển vào con người, vào nhân lực. Nhưng quan trọng là phải làm sao cho nhân lực của mình đủ sống chứ không phải lay lắt, chật vật chạy thêm nghề phụ”, GS Trần Thanh Vân trăn trở.
 >> Giáo dục đại học: Sẽ phải chuyển hướng sang đẩy mạnh nghiên cứu khoa học

Trở về quê hương để tổ chức lễ trao học bổng Vallet ươm mầm tài năng giới trẻ Việt, GS Vật lý người Pháp gốc Việt Trần Thanh Vân - chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực Lý thuyết Vật lý gửi gắm nhiều chia sẻ, đóng góp về việc bồi dưỡng phát triển nhân tài, kiến thiết đất nước.

Theo ông, với bất kỳ ngành nghề nào, muốn có nhân lực tốt thì phải có cơ chế để đảm bảo cuộc sống của họ. Lấy ví dụ điển hình là nhà khoa học trong ngành nghiên cứu hay giáo viên trong ngành Sư phạm… Ông cho rằng, nền khoa học Việt Nam khó phát triển khi lương nhà khoa học kém lương của một thư ký làm ở một doanh nghiệp bất kỳ.

“Tôi thấy số đông nhà khoa học Việt phải đi dạy thêm, làm thêm”

“Nhiều người thử đặt mối tương quan giữa việc Việt Nam có rất nhiều học sinh giỏi ở các môn Khoa học tự nhiên tại các kỳ thi quốc tế và Khoa học cơ bản của nước ta chưa phát triển thì thấy hiện nay tương quan này chưa thuận chiều. GS quan điểm thế nào về vấn đề này?”, PV Dân trí đặt câu hỏi.

Trầm ngâm suy nghĩ, GS Trần Thanh Vân khẳng định, chúng ta có một lớp trẻ tài năng, những hạt giống rất tốt để ươm mầm nhân tài. Nếu có đam mê và đi vào con đường nghiên cứu khoa học thì thật đáng quý. Song để khoa học cơ bản nước nhà phát triển thì vướng nhiều yếu tố.

Vị giáo sư đầu ngành Vật lý phân tích: “Chúng ta phải biết, các nhà khoa học sống trong một thế giới hoàn toàn khác với thế giới chúng ta sống bây giờ. Họ không đòi hỏi gì nhiều cả, họ chỉ muốn để tất cả tâm hồn của họ đi vào một hướng.

Nhưng cơ chế ở Việt Nam, lương bổng của một nhà khoa học rất ít. Thậm chí, nó kém hơn một thư ký của một công ty bất kỳ”, ông trăn trở.

Theo GS Trần Thanh Vân, đa số nhà khoa học Việt phải đi dạy thêm, làm thêm, kiếm thêm việc này việc khác để trang trải cuộc sống. Và khi đã có công việc ở ngoài thì tâm trí họ đã không còn được tập trung nữa. Họ cũng không thể nào quên hết tất cả mọi chuyện và chỉ nhắm vào một mục tiêu khoa học nữa.

“Điều quan trọng là chúng ta không thể để nhà khoa học giống như một người công chức bất kỳ ở Việt Nam. Nhà khoa học cần có lương bổng đủ sống. Họ không cần trăm triệu đồng, trăm triệu đô la mà chỉ cần đầy đủ vừa vặn để sống. Nếu không có điều ấy thì nền khoa học chúng ta không bao giờ tốt lên được”, ông khẳng định.

Cũng theo GS Vân, điều kiện cơ sở vật chất của nước ta có thể thua kém các nước tiên tiến nhưng đó cũng phải không là cản trở quá lớn. Bởi lẽ, ông cho rằng “sự phát triển căn bản nằm ở người lãnh đạo và nhân lực”. Cơ sở vật chất không quan trọng bằng chất lực. Nếu không có nhân lực tốt thì cơ sở vật chất cũng không giải quyết được vấn đề. Ở Việt Nam nhiều nơi có cơ sở vật chất cho nghiên cứu nhưng lại để… nằm không.

Điều vị giáo sư gốc Việt mong mỏi nhất chính là quê hương có cơ chế tập trung vào con người, phát triển nhân lực. Ông quan niệm, chỉ có nhân lực mới phát triển kinh tế kiến thiết đất nước được nhưng với điều kiện, phải làm sao để nhân lực đủ sống với chính ngành nghề họ theo đuổi. Điều đó không chỉ đúng đối với ngành nghiên cứu mà với cả ngành Sư phạm - then chốt của giáo dục nước nhà.

“Chúng ta đừng bắt nhà khoa học tự túc, nhà khoa học sống trong thế giới ham mê thì khó đi tìm tiền chỗ khác được”, GS Vân nhắc lại.

Nên duy trì các lớp cử nhân tài năng

Không chỉ trăn trở với khoa học, nhà Vật lý danh tiếng dành rất nhiều mong mỏi và kỳ vọng ươm mầm bồi dưỡng thế hệ trẻ Việt.

Theo đánh giá của GS Vân, Nhà nước nói chung và ngành Giáo dục nói riêng rất cần có chính sách bồi dưỡng các em học sinh ưu tú.

Trao đổi với Dân trí, GS Trần Thanh Vân nhấn mạnh, chúng ta nên duy trì hệ thống trường chuyên để tạo cơ hội cho các em học sinh ưu tú, học sinh đặc biệt có sức mạnh bước đà để tiến tới thành công nhanh hơn.

“Trường chuyên là hệ thống hết sức tốt và hiệu quả. Tôi cũng nghe nước nhà năm ngoái xôn xao bàn đến chuyện bỏ trường chuyên - lớp chọn để mọi người đều giống nhau. Tôi nghĩ, chúng ta không thể đặt mọi học sinh trên vị trí giống nhau”, GS Vân bày tỏ.

Trước đây, Việt Nam có các lớp cử nhân tài năng và đã đem lại những thành tựu rất tốt. Tuy nhiên, được một thời gian chúng ta lại bỏ qua hình thức này vì mải chạy theo các dự án 5 - 10 năm. Sau 10 năm thì dù tốt đi nữa nhưng vẫn bị bỏ mất để làm dự án mới.

"Việc bỏ hoàn toàn các lớp cử nhân tài năng là điều mà các thế hệ lãnh đạo gần đây cũng đã nhận ra điều ấy là không tốt. Theo tôi, chúng ta cần làm những gì mang tính bền vững, lâu dài chứ không phải ngày hôm nay làm cái này rồi 5 năm sau, ông bộ trưởng khác lên bỏ hoàn toàn cái cũ”, GS Trần Thanh Vân chia sẻ.

Sinh viên Sư phạm nói riêng và giới trẻ Việt cần năng động hơn nữa

Nói về thực trạng số đông trường Sư phạm ở Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong khâu tuyển sinh do khi ra trường nhiều sinh viên thất nghiệp, GS Vân cho rằng thế hệ trẻ cần phải đam mê, năng động hơn nữa.

“Khi các em có đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết nhưng cũng cần phải năng động. Số cơ sở giáo dục tìm kiếm người giỏi để vào dạy cũng rất nhiều chứ không phải không có. Thêm nữa, các thầy cô phải gieo tâm huyết yêu nghề, ngọn lửa đam mê của mình cho các học trò thì mới mong vực dậy được vị thế ngành Sư phạm”, GS Trần Thanh Vân nêu quan điểm.

Luôn tâm niệm rằng tương lai của đất nước phụ thuộc vào chính vào thế hệ trẻ - các em học sinh, sinh viên, GS Trần Thanh Vân sáng lập Tổ chức “Gặp gỡ Việt Nam” và thuyết phục được GS. TS. Odon Vallet dành 1/10 quỹ học bổng của mình để giúp các em học sinh, sinh viên giỏi tại Việt Nam.


Với chặng đường 17 năm của Quỹ Học bổng Vallet, đã có hơn 33.000 HS, SV Việt Nam vinh dự được nhận học bổng với tổng kinh phí gần 250 tỷ đồng.

“Trình độ của học sinh Việt Nam những năm gần đây đã có những bước tiến vượt bậc đáng kể. Số em được giải thưởng quốc tế năm 2017 khá đông. Điều mà chúng tôi rất mong muốn là các em đã giành được học bổng Vallet nên chủ động lập thành một nhóm. Tương lai sau này, các em có thể đưa nền khoa học cơ bản của Việt Nam ngày tiến tới, tiệm cận so với trình độ thế giới”, GS Trần Thanh Vân nhắn nhủ.

de thi mon gdcd tuyen sinh 2017

Từ năm 2018, điểm sàn sẽ do các trường đại học tự quyết định

 17:26 25/08/2017

Điểm sàn kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 vẫn do Bộ GD&ĐT quy định; từ năm 2018, điểm sàn sẽ do các trường Đại học tự quyết định.
“Khi đã cung cấp cho thí sinh, xã hội tất cả điều kiện lựa chọn rồi thì Bộ GD&ĐT có thể không cần thiết phải quy định điểm sàn nữa mà trao quyền đó cho từng trường và xã hội sẽ có quyền lựa chọn” – Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết trong buổi họp báo ngày 24/6.

Theo bà Phụng, từ năm 2018, các trường đại học sẽ thực hiện việc tự quy định điểm sàn, đó vừa là quá trình đảm bảo quyền tự chủ của trường đại học, vừa cung cấp đầy đủ thông tin cho xã hội để thí sinh tự lựa chọn ngôi trường đại học phù hợp với bản thân.

Theo đó, các trường đại học sẽ xây dựng đề án tuyển sinh đầy đủ, hoàn chỉnh. Trong đó, đặc biệt là những quy định về việc công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng của trường, công khai tỷ lệ việc làm của sinh viên theo từng ngành đào tạo trong 2 năm gần nhất và công khai tỷ suất đầu tư đào tạo từng sinh viên trong năm học.

Bà Phụng cho hay tất cả những nội dung trên sẽ cung cấp cho xã hội, thí sinh điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường, tỷ lệ việc làm… Sự đầu tư của nhà trường cũng sẽ tương đương với học phí thu. Đó là cơ sở để xã hội giám sát chất lượng và thí sinh lựa chọn được trường phù hợp với ngành học, trình độ năng lực, mức điểm thi của mình.



Bên cạnh đó, bà Phụng cho biết thêm kỳ thi Quốc gia năm 2017, Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng qua thống kê, khoảng 80% thí sinh chỉ đăng ký từ 1 đến 3 nguyện vọng, duy nhất có 1 thí sinh đăng ký 48 nguyện vọng.

Sau khi có kết quả thi, chỉ thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển, còn các trường không được điều chỉnh thông tin xét tuyển đã công bố. Hầu hết các trường sẽ được xét tuyển ở đợt 1, vì vậy các đợt xét tuyển bổ sung sẽ không quá nặng nề. Cũng từ năm 2017, các trường được tuyển sinh nhiều đợt, nghĩa là khi nào có nhu cầu, các trường sẽ tuyển bổ sung.

Về ý kiến năm nay có nhiều điểm thi cao sẽ khó xét tuyển đại học, bà Phụng cho rằng khi chưa chấm thì chúng ta không thể vì cảm nhận mà nói điều đó. Tuy nhiên, qua theo dõi dư luận và trao đổi với giáo viên, hầu hết các ý kiến đều đánh giá đề năm nay có tính phân loại cao.

“Khối đại học cũng vui mừng và phản hồi tốt về đề thi năm nay. Nếu tính phân loại của đề cao thì đó sẽ là điều kiện để xét tuyển vào các trường đại học”, bà Phụng nói.

Bí quyết học tiếng Anh của nữ sinh “nói” 7 thứ tiếng

Bí quyết học tiếng Anh của nữ sinh “nói” 7 thứ tiếng

 15:49 24/08/2017

Sau clip “nói” 7 thứ tiếng, Trần Khánh Vy một lần nữa nổi tiếng trên mạng xã hội vì khả năng nói tiếng Anh lưu loát cùng màn trình diễn rap ấn tượng trong một chương trình truyền hình.
Clip phỏng vấn ngắn Trần Khánh Vy lớp 12C5 Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An, trong chương trình 8 IELTS phát trên kênh VTV7 hiện đang nhận được nhiều lượt xem và chia sẻ từ cộng đồng mạng.

Trong clip, Vy chia sẻ một số điều về bản thân với phong cách tự tin, tiếng Anh giọng Mỹ tự nhiên và khả năng đọc "rap" tiếng Anh rất bất ngờ. 

Vy cho biết, sau khi chương trình phát sóng, em nhận được nhiều lời khen cũng như những góp ý, sửa lỗi về cách phát âm, tốc độ nói, cách dùng từ tiếng Anh… “Bản thân em rất biết ơn những góp ý của mọi người để cải thiện khả năng nói tiếng Anh của mình hơn”, Vy nói.

Năng khiếu chỉ là một phần rất nhỏ

Vy cho biết từ hồi 4, 5 tuổi, Vy đã được nghe nhạc và xem phim Anh, Mỹ nên sớm có hứng thú và niềm yêu thích với tiếng Anh. Khi lớn thêm, Vy nhận thấy mình có một chút năng khiếu ngoại ngữ, nhất là khả năng bắt chước ngữ điệu của các diễn viên trong phim. Vy bắt đầu xem tiếng Anh như sở thích của mình thay vì chỉ là một môn học ở trường.

“Thế nhưng năng khiếu chỉ là một phần lợi thế rất nhỏ khi học tiếng Anh. Nhiều người không có năng khiếu nhưng học tiếng Anh rất giỏi”, Vy nói.

Vy cho rằng, điều quan trọng nhất là phải siêng năng, chủ động và chăm học hỏi. Việc chăm học ở đây tức là không chỉ học những kiến thức trên trường mà còn phải tự học hỏi qua các phương tiện truyền thông đại chúng như báo đài, mạng xã hội… Theo Vy, khả năng tự học rất quan trọng.

“Phải tự tạo cho mình một môi trường ngoại ngữ, một không gian thoải mái mà mình có thể tiếp cận và sử dụng tiếng Anh thường xuyên. Nhiều người hỏi em sao bắt chước giọng nói người nước ngoài giống thế, em thật không có bí quyết gì cả. Ngay từ nhỏ em đã thích bắt chước như vậy rồi. Em nghĩ là do em nghe nhiều nên dần dần quen và phát âm giống thôi. Và theo em, việc tiếp cận ngoại ngữ càng sớm thì càng tốt”, Vy chia sẻ.

Ngoài giờ học ở trường và tham gia học bồi dưỡng học sinh giỏi, Vy còn tham gia câu lạc bộ tiếng Anh để thực hành. Với sở trường làm MC, Vy tham gia dẫn chương trình cho một số sự kiện của câu lạc bộ. Khi về nhà, Vy đọc sách, báo, xem phim và nghe nhạc tiếng Anh.

Học ngoại ngữ để hiểu biết về văn hóa

Vy nhận định hiện nay Việt Nam đã và đang tiếp tục gia nhập nhiều cộng đồng chung của thế giới, sự hội nhập diễn ra ngày càng sâu sắc hơn. Đối với Vy, biết ngoại ngữ là mở một cánh cửa giúp bản thân dễ dàng kết nối với mọi người, hiểu biết và trải nghiệm nhiều nền văn hóa khác nhau.

“Năm ngoái, em được học tiếng Anh với một giáo viên gốc Việt nhưng sinh ra và lớn lên ở Mỹ. Nhờ ngoại ngữ mà chúng em có cơ hội giao tiếp, giới thiệu văn hóa Việt Nam cho thầy. Các dịp lễ như ngày Nhà giáo Việt Nam hay Tết, chúng em mời thầy những món ăn truyền thống của Việt Nam, sao cho thầy cảm nhận được nét dân tộc Việt trong đó. Lớp em đều rất vui và điều đó đã trở thành một kỉ niệm”, Vy kể.

Theo Vy, việc biết ngoại ngữ còn giúp bản thân tra cứu những tài liệu tiếng Anh dễ dàng. Vy nói, “đôi khi, việc học trên trường không đủ, mình phải đọc thêm bên ngoài trong khi tài liệu tiếng Việt lại thiếu. Nhờ tiếng Anh mà em sử dụng máy tính thuận tiện hơn, dễ dàng tiếp cận nhiều nguồn kiến thức hơn, học được nhiều hơn”.

“Ban đầu em thi IELTS là để thử sức bản thân xem trình độ tiếng Anh mình đến đâu chứ không có ý định du học. Vì khi du học có rất nhiều điều phải cân nhắc, về khả năng tài chính của gia đình, về khả năng thích nghi môi trường mới, về ngành nghề và trường…

Ở Việt Nam em còn có nhiều điều thú vị muốn thử sức mình lắm. Vì em có xu hướng thích các ngành liên quan đến xã hội hay ngoại giao nên em đang suy nghĩ thêm về nghề nghiệp tương lai. Em mới học cấp 3 nên cần trải nghiệm nhiều hơn nữa”, Vy hào hứng chia sẻ.

3 KHÔNG trong kỳ thi THPT quốc gia 2018

3 KHÔNG trong kỳ thi THPT quốc gia 2018

 15:10 23/08/2017

Ngay sau khi kết thúc kỳ thi THPT quốc gia và kỳ tuyển sinh ĐH - CĐ 2017 những thí sinh 2k cũng nên bắt đầu chuẩn bị cho kỳ thi năm 2018 để không bị động về phương án thi và đạt được kết quả khả quan nhất.

 
Để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi năm tới, học sinh 2k cần nắm được những thông tin quan trọng nhất về kỳ thi như phương án thi, cách ra đề, nội dung thi...

Không thay đổi phương thức thi

Ngay khi công bố phương án thi THPT quốc gia 2017, Bộ GD&ĐT đã khẳng định rằng, về cơ bản phương án thi năm 2017 sẽ được giữ ổn định cho đến năm 2020. Nếu có thay đổi chỉ là tăng thêm các yếu tố công nghệ, kỹ thuật cao trong kỳ thi như thay vì làm bài thi trên giấy thì năm 2018 thí sinh có thể được làm bài thi trên máy tính.

Như vậy, về cơ bản năm 2018, 2k vẫn thi trắc nghiệm khách quan với 9 môn thi Toán, Văn, Anh (bắt buộc) Lý - Hóa - Sinh (bài KHTN) và Sử - Địa - GDCD (bài KHXH). Trong đó chỉ có môn Văn thi tự luận còn các môn khác sẽ thi dưới hình thức trắc nghiệm. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT có thể cân nhắc lại số lượng câu hỏi và độ khó dễ của từng câu để tăng tính phân loại trong đề thi.

Kiến thức nhân đôi, thời gian không đổi

Để thí sinh dần thích nghi với phương thức thi mới, năm 2017 Bộ giới hạn nội dung thi chỉ trong chương trình lớp 12, còn năm 2018, nội dung thi chỉ có kiến thức lớp 12 và lớp 11. Đến năm 2019 thí sinh mới phải thi toàn bộ kiến thức bậc THPT. Như vậy, kỳ thi năm 2018, 2k sẽ phải gánh khối kiến thức nặng gấp đôi năm 2017, và nhiều khả năng đề thi sẽ phải tăng độ khó để đảm bảo tính phân loại phục vụ các trường sàng lọc thí sinh.

Thí sinh lưu ý, do đề thi trắc nghiệm nên kiến thức được rải đều toàn bộ chương trình và có độ bao phủ lớn, ngay cả những kiến thức tự học, giảm tải cũng có thể xuất hiện trong đề thi. Vì vậy, khi ôn tập các em không nên bỏ qua phần kiến thức nào.


Dự thảo thí sinh không phải thi tốt nghiệp THPT

Tuy đây mới là đề xuất trong dự thảo, nhưng nếu được phê duyệt thì 2k sẽ không phải thi tốt nghiệp như những năm trước. Tốt nghiệp THPT có thể được xét theo phương thức mới.

Hình thức thứ nhất: Đánh giá thường xuyên do giáo viên phụ trách môn học tổ chức thực hiện dựa trên kết quả đánh giá của giáo viên, phụ huynh, bản thân học sinh và của các học sinh khác trong tổ, trong lớp.

Hình thức thứ hai: Đánh giá định kỳ do cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện. Học sinh hoàn thành các môn học, tích lũy đủ kết quả đánh giá theo quy định của Bộ GD&ĐT được cấp bằng tốt nghiệp.

Hình thức thứ ba: đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương, do tổ chức kiểm định chất lượng cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tổ chức để phục vụ công tác quản lý các hoạt động dạy học, phát triển chương trình và nâng cao chất lượng giáo dục.

hoc HJTC

Bộ GDĐT YÊU CẦU TIẾP TỤC TRIỂN KHAI MÔ HÌNH VNEN

 16:45 21/08/2017

Bộ GDĐT vừa có công văn yêu cầu các địa phương tiếp tục chỉ đạo xây dựng áp dụng mô hình trường học mới (VNEN) trong năm học 2017 - 2018 trên cơ sở rà soát các điều kiện đảm bảo về chất lượng.
Theo Bộ GDĐT, từ năm học 2016-2017, nhiều địa phương, nhà trường đã tổ chức tốt phương thức dạy học lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm (mô hình trường học mới). Các trường chuẩn bị đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đặc biệt là năng lực của cán bộ quản lý và giáo viên, đã thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo phương thức dạy học mới một cách linh hoạt, sáng tạo, đạt hiệu quả tích cực.

Tuy nhiên, một số trường còn nhận thức chưa đúng về mô hình trường học mới (coi mô hình trường học mới là chương trình giáo dục mới); chưa chuẩn bị đầy đủ về đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, tài liệu dạy học, điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học nên triển khai thực hiện máy móc, rập khuôn; tổ chức hoạt động học của học sinh một cách hình thức, chưa hiệu quả; một bộ phận học sinh không đạt được kết quả học tập mong muốn; chưa tạo được sự đồng thuận của cha mẹ học sinh, gây bức xúc trong xã hội.

Để thực hiện phương thức dạy học lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm theo mô hình trường học mới đạt chất lượng và hiệu quả, Bộ GDĐT đề nghị các sở GDĐT thực hiện tốt chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo, các trường tiểu học và trung học cơ sở rà soát, đánh giá tình hình triển khai mô hình trường học mới tại địa phương.

Căn cứ kết quả rà soát các điều kiện thực hiện mô hình, sở GDĐT chỉ đạo các phòng GDĐT, các trường xây dựng kế hoạch áp dụng mô hình trường học mới của nhà trường năm học 2017-2018 và những năm tiếp theo; chịu trách nhiệm về chất lượng và hiệu quả thực hiện mô hình, đảm bảo mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh trên nguyên tắc đảm bảo đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, tạo niềm tin trong cha mẹ học sinh và xã hội.

Bộ GDĐT cũng yêu cầu các địa phương tổ chức tốt công tác truyền thông; tăng cường tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý; chỉ đạo, giám sát, hỗ trợ việc áp dụng mô hình trường học mới.

Vừa qua, mô hình trường học mới VNEN đã gây nhiều tranh luận. Nhiều địa phương đã tuyên bố dừng áp dụng mô hình này.

NHỮNG CON SỐ BIẾT NÓI VỀ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VIỆT NAM

NHỮNG CON SỐ BIẾT NÓI VỀ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VIỆT NAM

 17:23 19/08/2017

Sáng 11/8, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục đại học năm học 2016 - 2017. Nhiều con số về hiện trạng giáo dục đại học Việt Nam hiện nay được công bố.

235 trường đại học, 1,76 triệu sinh viên

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tính đến hết năm học 2016-2017, hệ thống hiện có 235 trường đại học, học viện (bao gồm 170 trường công lập, 60 trường tư thục và dân lập, 5 trường có 100% vốn nước ngoài), 37 viện nghiên cứu khoa học được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ, 33 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm.

Đối với nhóm trường sư phạm và đào tạo giáo viên, hiện nay cả nước có 58 trường đại học, 57 trường cao đẳng, 40 trường trung cấp có ngành đào tạo giáo viên (trong đó có 14 trường đại học sư phạm, 33 trường cao đẳng sư phạm và 02 trường trung cấp sư phạm).
Năm học 2016-2017, có thêm 1 cơ sở đào tạo được thành lập mới trên cơ sở đã có quyết định chủ trương thành lập của Thủ tướng Chính phủ (Học viện dân tộc); 3 cơ sở đào tạo được cấp phép hoạt động và đều là các cơ sở có 100% vốn đầu tư nước ngoài (Trường ĐH Mỹ tại Việt Nam, Trường ĐH Y khoa Tokyo, Trường ĐH Fulbright Việt Nam), 1 phân hiệu của ĐHQG TP.HCM được thành lập tại Bến Tre.

Về quy mô đào tạo, năm học 2016-2017, tổng quy mô sinh viên đại học 1.767.879 sinh viên, giữ ổn định so với năm học 2015-2016; quy mô sinh viên cao đẳng sư phạm giảm 14,3%, chỉ còn 47.800 sinh viên.

Phần lớn sinh viên tập trung theo học các ngành thuộc Khối ngành V III: Toán và thống kê; Máy tính và công nghệ thông tin; Công nghệ kỹ thuật; Kỹ thuật; Sản xuất chế biến; Kiến trúc và xây dựng, Nông lâm và thuỷ sản; Thú y và Khối ngành: kinh doanh quản lý, pháp luật.
Quy mô đào tạo thạc sĩ là 105.801 (tăng 12,8% so với năm học 2015-2016). Quy mô đào tạo tiến sĩ là 15.112 (tăng 21% so với năm học 2015-2016).

Quy mô đào tạo tiến sĩ ở các viện NCKH thay đổi theo chiều hướng giảm. Tính đến tháng 6/2017, các Viện NCKH mới tuyển được khoảng 38% NCS so với chỉ tiêu đã đăng ký.

Tính từ đầu năm 2016 đến 31/7/2017, tổng số ngành mở mới ở trình độ đại học là 184 ngành, tập trung chủ yếu vào các nhóm ngành Kỹ thuật, Công nghệ kỹ thuật, Máy tính và Công nghệ thông tin, Khoa học xã hội và hành vi, Kinh doanh quản lý, Pháp luật.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, nhiều trường vẫn chưa quan tâm đầu tư các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo để đáp ứng quy mô tuyển sinh; đội ngũ giảng viên, đặc biệt là giảng viên cơ hữu chưa đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn; nguồn lực tài chính phân tán; chưa đầu tư dự báo thị trường nên các ngành đào tạo còn trùng lặp, chồng chéo trong một địa bàn...

Nhiều nơi mở ngành đào tạo vẫn dựa vào năng lực và kinh nghiệm vốn có, dẫn đến những ngành xã hội cần thì lại thiếu. Đó là những nguyên nhân khiến cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý và chất lượng đào tạo hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển KT-XH của đất nước.

Gần 73.000 giảng viên, hơn 16.500 tiến sĩ

Về phát triển đội ngũ giảng viên, năm học 2016-2017, tổng số giảng viên trong các trường đại học là 72.792 người , tăng 4,6% so với năm học 2015-2016, trong đó giảng viên có trình độ tiến sĩ là 16.514 (tăng 21,4%) và thạc sĩ là 43.065 (tăng 6,6%).
Số lượng giảng viên trong các trường cao đẳng sư phạm hiện này là 3.388 người trong đó giảng viên có trình độ Tiến sĩ là 115 người; Thạc sĩ là 2.187 người.

Số lượng nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp đã được nghiệm thu năm 2016 là 274 nhiệm vụ. 

Các nhiệm vụ này đã thu hút gần 3.000 cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên tham gia, đào tạo được 312 thạc sĩ, hỗ trợ đào tạo 77 tiến sĩ, đã xuất bản 36 đầu sách tham khảo và chuyên khảo, công bố 594 bài báo khoa học trên các tạp chí trong nước và quốc tế được công bố, 115 sản phẩm ứng dụng là quy trình kỹ thuật, sản phẩm phục vụ sản xuất và đời sống, phát triển ngành và địa phương.

Tính đến năm học 2016-2017 đã có 491 nhóm giảng dạy – nghiên cứu được thành lập tại các cơ sở đào tạo, trong đó cơ sở đào tạo có nhiều nhóm giảng dạy – nghiên cứu nhất là: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (127 nhóm), tiếp đến là các trường: ĐH Tây Nguyên (42 nhóm), ĐH Đà Nẵng (36 nhóm), ĐH SP Kỹ thuật Hưng Yên (30 nhóm), ĐHQG TP. Hồ Chí Minh (24 nhóm), ĐHQG Hà Nội (23 nhóm).

 
Bộ GD-ĐT đánh giá, tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và trình độ tiến sĩ trong toàn hệ thống vẫn ở mức thấp, đặc biệt là tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ của các trường cao đẳng sư phạm còn quá thấp (chiếm khoảng 3,4%).

Chất lượng đội ngũ giảng viên vẫn còn là dấu hỏi lớn khi nhiều cán bộ giảng viên không có đề tài nghiên cứu, chưa có bài báo đăng trên tạp chí khoa học trong nước và nước ngoài, trình độ ngoại ngữ còn hạn chế...

Số lượng giảng viên cơ hữu của các trường ngoài công lập vẫn còn thiếu (15.158 người chiếm khoảng 20% tổng số giảng viên trong toàn quốc) và đã ở độ tuổi cao, chưa đủ mạnh để nâng cao và tạo niềm tin về chất lượng đào tạo của bộ phận này trong hệ thống.

41% học sinh phổ thông vào đại học, cao đẳng

Năm học 2016-2017, học sinh tốt nghiệp THPT vào đại học, cao đẳng khoảng 41%, vào cao đẳng nghề, trung cấp khoảng 23%, học nghề tại trung tâm đào tạo nghề khoảng 13%, đi làm khoảng 10%.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển đại học năm nay, tỷ lệ học sinh không đăng ký xét tuyển đại học là 26%.

Thực tế cho thấy đã có sự chuyển biến về nhận thức của học sinh trong việc lựa chọn ngành nghề và hướng đi phù hợp với năng lực của mình.

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng nhìn nhận, Hệ thống thông tin thị trường lao động còn thiếu và chậm cập nhật, chưa đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp cho học sinh, nhất là đối với học sinh THCS trong bối cảnh tâm lý chạy theo bằng cấp còn nặng nề.

23 trường thí điểm tự chủ

Đến hết năm học 2016-2017, có 23 cơ sở giáo dục đại học công lập được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm tự chủ đổi mới cơ chế hoạt động theo quy định của Nghị quyết, trong đó Trường ĐH Trà Vinh là cơ sở đại học trực thuộc địa phương đầu tiên thực hiện thí điểm.

Tuy nhiên, theo Bộ GD-ĐT, cơ sở pháp lý về tự chủ đại học chưa vững chắc và thiếu đồng bộ nên việc triển khai còn nhiều lúng túng, chưa thống nhất; một số nội dung cam kết của Chính phủ (theo tinh thần của Nghị quyết 77) chưa được thực hiện (cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ, hỗ trợ lãi suất vay) gây khó khăn cho nhiều cơ sở GDĐH. Tự chủ chưa gắn liền với đổi mới quản trị đại học và trách nhiệm giải trình xã hội.

Tính đến hết tháng 4/2017, trong toàn hệ thống giáo dục đại học có 169 trường công lập chỉ có 58 cơ sở thành lập hội đồng trường, chiếm 34,3% tổng số cơ sở giáo dục đại học công lập.

Tuy nhiên, ngay cả những cơ sở đã thành lập thì nhiều Hội đồng trường vẫn chưa có thực quyền của một tổ chức quản trị, đại diện cho quyền sở hữu nhà nước để quyết định những vấn đề lớn như chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, phương hướng hoạt động… của nhà trường. Trong tổng số 23 trường đại học đã được tự chủ theo Nghị quyết 77 vẫn còn 6 trường chưa có hội đồng trường.

Đã có 35 chương trình tiên tiến ở 23 cơ sở đào tạo; 16 chương trình kỹ sư chất lượng cao theo tiêu chuẩn của Cộng hoà Pháp ở 04 cơ sở đào tạo; 50 chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp (POHE) và gần 200 chương trình chất lượng cao ở các cơ sở khác. Ngoài ra, các trường đại học còn có hơn 500 chương trình liên kết đào tạo quốc tế với các trường đại học ở các nước trên thế giới.

500 chương trình liên kết đào tạo quốc tế

Các chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao, chương trình đào tạo kỹ sư, cử nhân tài năng, chương trình tiên tiến được nhiều trường đại học quan tâm phát triển.

Tới nay đã có 35 chương trình tiên tiến ở 23 cơ sở đào tạo; 16 chương trình kỹ sư chất lượng cao theo tiêu chuẩn của Cộng hoà Pháp ở 04 cơ sở đào tạo; 50 chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp (POHE) và gần 200 chương trình chất lượng cao ở các cơ sở khác. Ngoài ra, các trường đại học còn có hơn 500 chương trình liên kết đào tạo quốc tế với các trường đại học ở các nước trên thế giới.

945 nhóm nghiên cứu

Trên cơ sở khảo sát từ 142/271 trường đại học, hiện nay trong hệ thống các trường đại học đã hình thành 945 nhóm nghiên cứu, một trường đại học có trung bình 7 nhóm nghiên cứu.

Theo Bộ GD-ĐT, chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước.

Việc triển khai đào tạo chất lượng cao trình độ đại học không đồng đều, chủ yếu tập trung ở những trường đại học lớn trong khi các trường đại học do địa phương quản lý còn chậm được triển khai.

GS Ngô Bảo Châu: '12,75 điểm đỗ đại học sư phạm là đáng lo ngại'

GS Ngô Bảo Châu: '12,75 điểm đỗ đại học sư phạm là đáng lo ngại'

 15:37 14/08/2017

GS Ngô Bảo Châu và một số chuyên gia phân tích câu chuyện điểm chuẩn ngành sư phạm thấp, đồng thời đề xuất giải pháp nhằm thu hút người tài cho giáo dục.
Nên có kỳ thi quốc gia sát hạch giáo viên
Trao đổi với Zing.vn về vấn đề này, GS Ngô Bảo Châu khẳng định tình hình lấy điểm đầu vào thấp của một số trường sư phạm như hiện nay là điều đáng lo ngại.

GS Châu nhận định sư phạm “rớt giá” phản ánh vị trí xã hội của giáo viên không còn được như xưa. Ngoài ra, thu nhập của người lao động ngành này cũng kém hơn so với các ngành khác dẫn đến việc thí sinh không còn “mặn mà” với nghề giáo.

Trong khi đó, những ngành như công an, quân đội lại hấp dẫn hơn nhiều, dễ dàng thu hút những thí sinh đạt điểm cao.

Điểm đầu vào như vậy khó đảm bảo chất lượng đội ngũ giáo viên tương lai. GS Ngô Bảo Châu cho rằng để đảm bảo chất lượng giáo dục, nước ta cần có thêm kỳ thi quốc gia nhằm sát hạch giáo viên, cấp chứng chỉ hành nghề tương tự với bác sĩ, luật sư.

Vị GS nổi tiếng đang giảng dạy ở nước ngoài cho biết thêm tại Pháp, sinh viên tốt nghiệp đại học sư phạm hay tổng hợp đều phải đạt điểm cao trong kỳ thi sát hạch được tổ chức minh bạch mới đủ tiêu chuẩn vào biên chế giáo dục quốc gia.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT), cho hay một số quốc gia tổ chức cấp giấy phép hành nghề qua các kỳ sát hạch để đảm bảo tính minh bạch của thị trường lao động. Nước ta chưa thực hiện việc này.

Nhưng để sát hạch, tức siết đầu ra ở thị trường lao động, đầu vào phải tốt, đồng thời các điều kiện đảm bảo chất lượng, cũng như chính sách đãi ngộ tương xứng, nếu không dễ gặp rủi ro.

Dù có tổ chức sát hạch ở đầu ra hay không, trước hết phải tăng cường trách nhiệm giải trình chất lượng đào tạo. Ở đó, tuyển sinh có chất lượng là yếu tố phải tính đến. Nhà nước phải có sự hỗ trợ để thu hút người giỏi vào sư phạm.

Theo TS Vinh, để nâng chất lượng đầu vào, áp sàn thôi chưa đủ vì còn tùy thuộc nhiều yếu tố, bao gồm việc kỳ thi có trung thực không, chất lượng đề thi đến đâu. Các trường sư phạm phải nghiên cứu, tuyển sinh viên với mức điểm nào thì họ có thể đào tạo đạt chuẩn đầu ra mà người sử dụng kỳ vọng trong điều kiện đảm bảo chất lượng như hiện nay và trong thời hạn đào tạo được phép.
Ông Vinh đề xuất học tập Singapore, chọn những em xuất sắc ở phổ thông và có chính sách ưu tiên đãi ngộ trong quá trình học, làm việc, con đường sự nghiệp rộng mở để các em theo ngành sư phạm.

Ông nói thêm điểm chuẩn không phải là điều kiện cần và đủ để đảm bảo chất lượng giáo viên. Như năm nay, đề thi chuẩn hóa nhưng điểm trúng tuyển vẫn thấp chứng tỏ người học thiếu hụt kiến thức cơ bản ở phổ thông cũng như sẽ thiếu nhiều kiến thức về xã hội và tự nhiên khác.

“Không bột thì sao gột được nên hồ, nguyên vật liệu tốt hy vọng chất lượng sản phẩm sản xuất ra sẽ tốt. Trong điều kiện như hiện nay, về động cơ học tập, điều kiện đảm bảo chất lượng ở các trường có nhiều hạn chế, việc làm cho sinh viên đầu vào chất lượng thấp để có giá trị gia tăng là rất khó khăn. Kiến thức phổ thông như cái nền, nền chắc thì mới xây được kiến thức vững”, TS Vinh lý giải.

Người học hổng kiến thức thì trong 3, 4 năm đào tạo, rất khó bù đắp đủ. Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp khẳng định đây không phải hậu quả của chính sách thi cử mà từ chính sách đào tạo, tuyển dụng, đãi ngộ và là bài toán lớn về tài chính giáo dục.
Đào tạo để thất nghiệp thì đào tạo làm gì?
“Chắc chắn phải hạn chế tuyển sinh, vì đào tạo ra để thất nghiệp thì đào tạo làm gì”, TS Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh.

Ông nói thêm không có sinh viên, vấn đề giảng viên thất nghiệp có thể giải quyết bằng cách đào tạo bổ sung, để họ tập huấn, bồi dưỡng lại cho giáo viên đang có nhu cầu kỹ năng dạy học ở các trường phổ thông. Thậm chí, đưa giáo viên trường cao đẳng về dạy ở các cấp học dưới ở những nơi thiếu. Đây cũng là vấn đề cần thiết trong tình hình hiện nay.

Sai lầm trong chỉ đạo, tổ chức triển khai quy hoạch phát triển nhân lực ngành giáo dục là một trong những nguyên nhân gây ra những vấn đề như hiện nay.

Theo ông Vinh, địa phương phải có trách nhiệm thống kê nhu cầu giáo viên về số lượng và kỹ năng cần thiết rồi tính toán câu chuyện hợp đồng đào tạo theo địa chỉ ký với các trường sư phạm. Để ngăn tiêu cực, công tác tuyển sinh cần minh bạch, phải có thanh tra, giám sát quá trình tuyển dụng.

Trong khi đó, Thông tư 57 và 32 vẫn quy định xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo năng lực đào tạo của trường (theo số lượng giảng viên cơ hữu và theo diện tích xây dựng). Bộ GD&ĐT cần phải sửa đổi sớm nguyên tắc và cơ chế xác định chỉ tiêu.

Để dạy tiểu học ở Pháp, giáo viên phải vượt qua kỳ thi tuyển dụng (CRPE). Muốn dạy trung học, chủ yếu là THCS, giáo viên phải có chứng chỉ CAPES hoặc CAPET (chứng chỉ giảng dạy giáo dục công nghệ).

Giáo viên dạy trường tư, trường nghề hay thể dục đều phải vượt qua kỳ thi sát hạch riêng. Chỉ khi vượt qua kỳ thi biên chế khắt khe, giáo viên mới đủ tư cách dạy THPT và dự bị đại học.

Quá trình giảng dạy, họ chịu sự giám sát ngặt nghèo về trình độ chuyên môn và bị đào thải nếu không đáp ứng yêu cầu của nghề nghiệp.
Về vấn đề sinh viên sư phạm khó kiếm việc làm, ông Vinh đề xuất hai giải pháp.

Thứ nhất, giáo dục đại học là sinh viên được học trên nền học vấn rộng, vì thế nhiều em không làm giáo viên vẫn có thể làm công việc khác khi được học bổ sung những kỹ năng nghề nghiệp của công việc đó.

Nhà nước nên rà soát số lượng chưa có việc làm và có thể đào tạo bổ sung những kỹ năng cần thiết như khởi nghiệp chẳng hạn, hỗ trợ vốn để các cử nhân chưa có việc làm có thể tạo dựng doanh nghiệp cho bản thân.

Thứ hai, Việt Nam có thể học tập Hàn Quốc, hình thành mô hình dạy kèm để tạo công việc cho sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm không được tuyển dụng. Việc này vừa giải quyết công việc cho người tốt nghiệp, giảm tải cho nhà trường, đáp ứng nhu cầu của học sinh và góp phần nâng chất lượng giáo dục.

Tuy nhiên, về lâu dài, nước ta cần tính toán căn cơ, có chế độ tuyển dụng, đãi ngộ, để thu hút người giỏi đồng thời có chính sách hỗ trợ đặc biệt đối với các giáo viên ở vùng kinh tế xã hội còn rất khó khăn như vùng núi, vùng biển và hải đảo.
Đóng cửa trường sư phạm địa phương
Ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho rằng ngoài giải quyết bài toán việc làm cho sinh viên, các trường cũng cần tăng cường công tác marketing.

Theo ông Dũng, nhà trường phải có trách nhiệm tư vấn thấu đáo về ngành nghề đào tạo để học sinh có những quyết định đúng đắn, bởi vì hiện tại, nhiều em còn chọn ngành theo tâm lý số đông, hùa theo bạn bè. Học hành không đến nơi, ra trường không có việc làm, là gánh nặng cho xã hội.

Ở cấp độ vĩ mô, việc cấp thiết nhất là phải quy hoạch lại mạng lưới các trường đào tạo sư phạm. Cụ thể hơn, ông Dũng cho rằng nên đóng cửa các trường đại học, cao đẳng sư phạm ở địa phương.

Theo ông, ngoài những trường sư phạm lớn hiện nay (ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội 2, ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Sư phạm Thái Nguyên, ĐH Sư phạm Huế, ĐH Sư phạm Quy Nhơn, Khoa Sư phạm - ĐH Cần Thơ, ĐH Sư phạm Đà Nẵng), các trường đại học tại địa phương được nâng cấp từ cao đẳng sư phạm vẫn đào tạo giáo viên. Như vậy, nguồn cung vượt xa nhiều lần so với cầu, dẫn đến tình trạng thất nghiệp tràn lan của các cử nhân sư phạm.

“Việt Nam đang rơi vào bẫy thu nhập trung bình, tức là khi thu nhập người dân được nâng cao, chất lượng cuộc sống tốt hơn, người dân lại không muốn sinh con nữa. Như TP.HCM chẳng hạn, tỷ suất sinh đang giảm đến mức báo động. Do đó, sắp tới, số lượng học sinh ở các cấp đều giảm, trong khi giáo viên vào biên chế phải đến 55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi với nam mới được nghỉ hưu. Như vậy, sinh viên sư phạm ra trường không thất nghiệp mới là chuyện lạ”, ông Dũng phân tích.

Mặt khác, việc đóng cửa các trường sư phạm ở địa phương cũng sẽ giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Chính phủ và Bộ GD&ĐT sẽ có nguồn lực để đầu tư nhiều hơn cho hai trường sư phạm tại Hà Nội và TP.HCM.

Theo ông Dũng, cần có nhiều biện pháp để chấn chỉnh ngay việc đào tạo ngành sư phạm. Mặc dù sẽ động đến lợi ích của nhiều người, chúng ta không thể bình tĩnh chờ được nữa. Một khóa sư phạm ra trường, khi các em đi nhận nhiệm sở, sẽ ảnh hưởng các thế hệ sau đến 50, 60 năm.

Có nên cho trẻ học Ngoại Ngữ từ lớp 1?

Có nên cho trẻ học Ngoại Ngữ từ lớp 1?

 17:12 11/08/2017

Báo Thanh Niên số ra ngày 25.4 có bài viết đề cập việc dạy tăng cường ngoại ngữ cho học sinh lớp 1. Sau khi báo đăng, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến phản hồi xung quanh vấn đề này.
Môn ngoại ngữ chỉ là một phương tiện

Trong quỹ thời gian của mỗi con người thì tuổi thơ có ý nghĩa đặc biệt nhất. Vậy tại sao người lớn, các bậc phụ huynh, các nhà trường lại bắt trẻ em mới bước chân vào lớp 1 mà phải học nhiều đến thế? Làm như vậy là đánh cắp tuổi thơ của trẻ.

Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, cái mà lứa tuổi này cần không phải là tiếng Anh, tiếng Pháp hay bất cứ một ngoại ngữ nào khác. Ở lứa tuổi này, nên đặc biệt ưu tiên dạy các em tiếng mẹ đẻ trước sau đó mới đến ngôn ngữ thứ hai
Thực tế cho thấy, nhiều bậc phụ huynh đã không coi trọng việc giáo dục cho các em cần yêu tiếng Việt, hiểu văn hóa Việt và hoàn thiện ngôn ngữ tiếng Việt. Cũng cần nói thêm rằng, ở lứa tuổi học sinh bậc tiểu học thì một nền giáo dục được xem là chất lượng cao không phải là "nhốt" chúng vào phòng kín với máy lạnh và các phương tiện giáo dục hiện đại rồi dành thời gian thật nhiều để học ngoại ngữ, học công nghệ thông tin; ở lứa tuổi này, giáo dục chất lượng cao phải là sự kết hợp với việc tạo điều kiện cho trẻ khám phá thế giới xung quanh mình, khám phá thiên nhiên, hiểu biết những vốn quý về văn hóa, ngôn ngữ của dân tộc...
Tuổi bé nên ưu tiên phần nghe nói

    Xét về hiệu quả thì rất nên cho trẻ bắt đầu học ngoại ngữ từ năm lớp 1. Tuổi càng bé, khả năng tiếp thu ngôn ngữ càng tốt. Vì vậy, nên cho trẻ học ngoại ngữ càng sớm càng tốt. Tuổi mẫu giáo, các cháu nên được làm quen với ngoại ngữ, hướng dẫn chơi với ngoại ngữ. Trẻ có thể ý thức được cách phát âm, có khái niệm bằng cách chơi với đồ chơi, nghe bài hát... Tuổi càng bé, càng ưu tiên phần nghe nói, từ đó giúp các em tự tiếp thu và nói về chủ đề quanh mình. Sau đó, từ lớp 3, 4 mới đưa các phần kiến thức đòi hỏi trẻ phải tư duy sâu hơn

    Các bậc phụ huynh cũng nên xác định đúng bản chất của môn ngoại ngữ thực ra chỉ là một phương tiện để giúp mỗi người có điều kiện hội nhập, tôi không phủ nhận vai trò của "phương tiện" ấy, nhưng rõ ràng nó không thực sự giúp ích gì cho đứa trẻ ở cấp tiểu học. Tôi cho rằng, bản chất của việc học ngoại ngữ không phải là điều gì quá khó mà nó chỉ giống như: học hát, trước hết, học về tiết điệu sau đó là học từ. Như vậy, chỉ nên coi tiếng Anh là môn học ngoại khóa và trên tinh thần tự nguyện chứ không nên biến nó trở thành môn học để đánh giá trình độ, năng lực của các em nhỏ.

    Học ngoại ngữ không phải cứ học càng sớm càng tốt, các em có thể học giai đoạn nào cũng được, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh, nhu cầu. Hơn nữa, hiện nay phương tiện nghe nhìn, học trực tuyến... hỗ trợ cho việc học ngoại ngữ có rất nhiều, điều này cũng đồng nghĩa với việc không thiếu cơ hội cho người học. Trong khi đó, nếu học ở trường mà giáo viên không được đào tạo bài bản như hiện nay, không am hiểu về tâm lý lứa tuổi, nhiều khi phát âm tiếng Việt còn sai thì dạy cho các em chỉ là lợi bất cập hại mà thôi.
Giáo viên đóng vai trò quyết định

    Theo quan niệm trước đây, việc học thêm ngoại ngữ (ngôn ngữ 2) nên bắt đầu khi đã sử dụng tiếng mẹ đẻ (ngôn ngữ 1) hoàn chỉnh để không bị tái mù chữ (illiteracy). Theo các nhà giáo dục, muốn không bị tái mù chữ thì phải học tiếng mẹ đẻ ít nhất là 4 năm trong nhà trường chính quy. Do đó, trong giai đoạn này, ngoại ngữ thường được dạy từ lớp 6. Đến giữa thập niên 80, xu thế dần thay đổi khi việc học ngoại ngữ bắt đầu sớm hơn, ở nhiều nước thông thường là lớp 3. Qua thập niên 90, ngoại ngữ được khuyến khích dạy ở nhiều nơi từ năm đầu cấp tiểu học. 

   Tiếng Anh do tính lịch sử và thực tế đã trở thành ngôn ngữ quốc tế. Ở mọi góc độ, ở những không gian và thời gian khác nhau, người ta dễ dàng tiếp cận với tiếng Anh. Chính điều này đã làm thay đổi cách suy nghĩ và thực hành về dạy và học tiếng Anh. Vấn đề mới của thế kỷ 21 hôm nay, chính là sự nhìn nhận lại đâu là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến việc học tiếng Anh. 
Yếu tố quan trọng nhất đó không phải là phương pháp dạy hay phương pháp học như nhiều người vẫn nghĩ. Chúng ta lâu nay vẫn mệt mỏi đi từ phương pháp dựa vào giáo viên làm trung tâm (teacher-centered) đến phương pháp lấy người học làm trung tâm (learner-centered). Trong giảng dạy tiếng Anh, vấn đề quan trọng nhất chính là tạo các điều kiện để tiếp cận với môi trường sử dụng tiếng Anh (English learning environment). Điều này phần nào cũng lý giải vì sao người học tiếp xúc với kỹ năng ngôn ngữ nào nhiều thì thường giỏi về kỹ năng ấy hơn các kỹ năng khác... 

   Việc học tiếng Anh của trẻ em nên là khuyến khích với phương châm "học mà chơi, chơi mà học", trong đó chơi nhiều hơn học. Trong khi tư duy của giáo dục trung học là chính xác, tư duy của đại học là khái quát, thì ở bậc tiểu học đó là lãng mạn (romantic), phản ánh sự học nhẹ nhàng, tự nhiên và học sinh được chọn lựa cái cần học. 

   Tuy nhiên, trong học tiếng Anh ở lớp 1 cũng cần chú ý: Trẻ em như một tờ giấy trắng, dấu ấn của các bài học đầu tiên, người dạy đầu tiên và cách học đầu tiên dễ lưu lại lâu dài. Đặc biệt trong phát âm và nghe nói, cần được học rõ ràng và chính xác. Do đó, vấn đề chọn giáo viên đóng vai trò quyết định. 

   Trong học tập, nên sử dụng nhiều trò chơi, băng hình, CD, nghe nhạc, xem phim, các tài liệu phần mềm... để tạo sự đa dạng trong học tập, tạo nên sự thích thú, say mê và kích thích óc sáng tạo trong tiếp thu và sử dụng ngôn ngữ. 

   Tạo các điều kiện khác nhau để sử dụng tiếng Anh trong và ngoài lớp học, đặc biệt là ở nhà. Việc người lớn sử dụng tiếng Anh cũng góp phần tạo nên môi trường học cho con em. 

  Trong giai đoạn đầu học tiếng Anh, sai đúng, nhất là trong ngữ pháp, không phải là trọng tâm. Tương tự, trong giai đoạn này cũng cần tập trung trước hết đến các kỹ năng nghe nói (hơn là đọc viết). 

  Trong học tập, không thể không có kiểm tra đánh giá, nhưng cần nhẹ nhàng, mang tính khuyến khích và hướng dẫn học sinh tự đối chiếu để thực tập các mô hình đúng. 

  Cuối cùng, việc chọn lựa hình thức hay nội dung học tập nào phù hợp là do học sinh. Nên khuyến khích học sinh lựa chọn theo sở thích. Cần chú ý là sẽ khó thành công nếu chương trình tiếng Anh bậc tiểu học lại đi theo lối mòn của những bậc học trên và của các thế hệ trước đó với các nội dung cứng nhắc, lý thuyết nặng nề, từ chương thiếu linh hoạt và đa dạng của các phương pháp và giáo cụ, giáo viên phải dạy cho hết nội dung, học sinh phải học và thi trả nợ đối với từng giai đoạn học tập, nhất là chỉ học mà không chơi, học thiếu hứng thú, và nhất là thiếu hẳn một môi trường sử dụng tiếng Anh.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây